Nhổ răng sữa trẻ em đúng cách, đúng thời điểm

Răng sữa là những chiếc răng mọc đầu tiên, hình thành trong giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ và sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ lớn. Cũng chính vì điều này mà nhiều bậc cha mẹ cho rằng, răng sữa không quan trọng và không chú ý đến việc thay răng cho con. Thực tế, việc nhổ răng sữa cho trẻ phải được thực hiện đúng cách, đúng thời điểm.

Răng sữa có vai trò như thế nào?

Hiện nay, nhiều phụ huynh có những suy nghĩ sai lầm và không có cái nhìn đúng về răng sữa. Họ cho rằng răng sữa không quan trọng nên không được chú ý. Các chuyên gia nha khoa cho biết, răng sữa thực chất không hề kém quan trọng so với răng vĩnh viễn, mà ngược lại còn rất có lợi đối với sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn thân của trẻ trong những năm đầu phát triển, đồng thời góp phần hình thành một hàm răng đẹp sau này.

Dưới đây là vai trò cụ thể của răng sữa mà bạn có thể tham khảo:

  • Răng sữa giúp trẻ nhai và nghiền nhỏ thức ăn. Vì sau 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm và đây cũng là thời điểm những chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện.
  • Răng sữa giúp trẻ phát âm đúng. Nếu răng sữa bị hỏng phải nhổ bỏ sớm thì bé có thể bị nói ngọng.
  • Răng sữa kích thích sự phát triển của xương hàm. Bởi nhờ có răng sữa, bé có thể nhai, cắn thức ăn, từ đó làm cho các cơ và xương hàm phát triển bình thường, đảm bảo chức năng cũng như thẩm mỹ cho khuôn mặt.
  • Răng sữa còn là tiền đề giúp cho răng vĩnh viễn mọc lệch đúng vị trí. Nếu răng sữa bị sâu, hỏng, phải nhổ bỏ sớm khi chưa đến tuổi thay răng thì có thể khiến răng vĩnh viễn mọc chậm, mọc lệch, gây lệch lạc khớp cắn ở bộ răng sau này.

Chính vì thế, phụ huynh hãy quan tâm đến răng sữa và quá trình thay răng sữa của con. Đừng cố gắng nhổ răng sữa của trẻ trước thời điểm thay răng theo quy luật. Bởi vì nếu răng bị nhổ quá sớm, để một thời gian không có răng vừa ảnh hưởng đến tâm lý của bé, khả năng ăn nhai; vừa làm xương hàm và lợi không phát triển và răng vĩnh viễn sẽ mọc chậm bất thường. Lợi không răng để lâu ngày co khít lại sẽ gây đau đớn cho bé khi răng vĩnh viễn mọc.

Nhổ răng sữa cho trẻ khi nào?

Việc nhổ răng sữa cho trẻ thường được diễn ra khi:

  • Trẻ đến tuổi mọc răng vĩnh viễn, các răng sữa có dấu hiệu lung lay tự rụng hoặc răng sữa lung lay lâu không rụng.
  • Phát hiện răng vĩnh viễn mọc bên cạnh mà răng sữa bên trên vẫn chưa rụng.
  • Răng sữa đã đến tuổi thay nhưng bị cứng khớp, cản trở sự mọc của răng vĩnh viễn
  • Răng sữa bị sâu, mẻ, vỡ đã điều trị mà không có chuyển biến tích cực.
  • Răng sữa bị viêm, nhiễm trùng, bị hư tủy, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh.
  • Răng sữa bị viêm cement cấp, viêm quanh chóp, tụt nướu,… và có nguy cơ nhiễm khuẩn xuống vùng răng vĩnh viễn.
  •  

Nhổ răng sữa cho trẻ đúng cách

Răng sữa thường có cơ chế tự rụng, không cần tác động lực từ bên ngoài, đến thời điểm thích hợp răng sữa sẽ tự rụng. Lúc này, rất nhiều bậc cha mẹ thường dùng tay hoặc chỉ để nhổ răng cho trẻ. Như vậy, trong các trường hợp răng sữa đã lung lay nhiều và trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý đặc biệt đi kèm thì cha mẹ có thể nhổ răng cho bé tại nhà và lưu ý đến những vấn đề sau đây:

  • Rửa tay bằng xà phòng và lau khô với khăn sạch trước khi nhổ răng sữa cho bé.
  • Khuyến khích trẻ tự làm răng lung lay bằng lưỡi hoặc bằng tay sạch, như vậy sẽ giúp trẻ cảm thấy ít lo sợ hơn.
  • Cầm thân răng bằng một miếng gạc sạch, dùng một lực xoắn vặn nhẹ nhàng, răng sẽ rơi ra.
  • Cho trẻ cắn gạc hoặc gòn tại vị trí răng rụng liên tục trong 5 – 10 phút để cầm máu. Sau khi máu đã cầm, kiểm tra lại để đảm bảo không còn sót chân răng cũ.

          Trong một số trường hợp phụ huynh chưa nắm rõ thao tác nhổ răng tại nhà, hoặc răng sữa chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã mọc, răng sữa bị sâu lâu ngày khiến tủy bị viêm nhiễm gây đau nhức, ê buốt,… thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến nha khoa uy tín để bác sĩ thăm khám và xử lý kịp thời.

Lời khuyên để chuẩn bị cho con một hàm răng đẹp

Để chuẩn bị cho con một hàm răng đẹp, cha mẹ cần phải hành động ngay từ ngày con mọc những chiếc răng đầu tiên. Đến khi con thay răng sữa để chuyển sang sử dụng răng vĩnh viễn, cha mẹ còn cần phải tích cực hơn vì những chiếc răng mới được thay này sẽ là hành trang theo trẻ đến suốt cuộc đời. Để được như vậy, cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

  • Hãy là một hình mẫu lý tưởng cho con: Trẻ em thích bắt chước những người xung quanh. Vì vậy, hãy trở thành một hình mẫu tốt và thể hiện thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách cho con mỗi ngày.
  • Chỉ dạy con: Trước khi con đến sinh nhật tròn 3 tuổi, cha mẹ phải dạy cho con thuần thục kỹ năng đánh răng cùng kem đánh răng chuyên biệt cho trẻ em. Bé tự lấy mẩu kem cỡ bằng hạt gạo và đánh răng, sau đó nhổ ra ngoài, súc miệng lại bằng nước sạch. Trẻ phải hiểu được rằng toàn bộ quá trình này là nhổ ra mà không được nuốt vào. Khi răng đã mọc chạm vào nhau, cha mẹ hướng dẫn trẻ dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước súc miệng hàng ngày.
  • Khám răng định kì: Hãy giữ một thói quen thường xuyên đến thăm nha sĩ ít nhất hai lần/một năm, tập cho trẻ có thói quen tốt, trẻ sẽ thấy đây là các hoạt động quen thuộc và không còn cảm giác sợ hãi. Nha sĩ khuyên nên cho trẻ khám răng đầu tiên và định kỳ ngay từ khi trẻ trong 1 tuổi.
  • Chế độ ăn tốt cho răng: Giải thích cho trẻ hiểu mối nguy hiểm đến răng miệng, dễ gây đau răng, sâu răng khi dùng nhiều bánh kẹo, thức ăn ngọt, nước ngọt. Không ăn vào buổi tối và luôn đánh răng sau khi ăn các loại thực phẩm này. Khuyến khích trẻ uống sữa, ăn phomai, sữa chua hay sản phẩm từ sữa nói chung do có chứa hàm lượng canxi cao, giúp răng chắc khỏe.
  • Thường xuyên động viên, khuyến khích trẻ: Khen ngợi trẻ mỗi ngày nếu cha mẹ thấy trẻ tự giác súc miệng, đánh răng đúng giờ và ý thức không ăn đồ ngọt mà không cần cha mẹ nhắc nhở. Phần thưởng cho trẻ sẽ là được tự do chọn lựa kiểu dáng bàn chải đánh răng, loại kem đánh răng của riêng mình. Những điều này sẽ giúp trẻ hào hứng hơn và hình thành thói quen mới tốt cho sức khỏe răng miệng.

Có nên nhổ răng sữa chưa lung lay cho bé không?

Trước khi quyết định nhổ răng sữa chưa lung lay cho bé, cha mẹ cần cân nhắc thật kĩ. Nếu quan sát thấy răng vĩnh viễn đã có dấu hiệu nhú lên, mà răng sữa vẫn còn chắc chắn, không thấy dấu hiệu lung lay, thì bạn nên quyết định nhổ bỏ.

Bởi nếu răng sữa không rụng, răng vĩnh viễn sẽ không có đủ khoảng trống để phát triển. Đây là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng răng mới mọc lệch, đâm vào nướu hoặc lợi xung quanh, làm viêm nhiễm chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây hại tới sức khỏe răng miệng của trẻ.

 

0982 050 850